Cần thuốc đặc trị cho văn hóa đọc

Mặc dù đã có những chuyển biến, tuy nhiên văn hóa đọc nước nhà còn không ít “bệnh”, vì thế tìm ra “thuốc” để văn hóa đọc phát triển đúng nghĩa là việc mà chúng ta đã, đang và sẽ phải làm.

Nhiều “bệnh”

Có thể nói, nước ta có nhiều tiềm năng, cơ sở để thúc đẩy văn hóa đọc phát triển trong cộng đồng. Hiện nay ở Việt Nam có 63 thư viện tỉnh, 663 thư viện huyện và 3.257 thư viện xã; 16.727 phòng đọc sách làng, thôn, bản; gần 400 thư viện thuộc các trường cao đẳng và đại học. Ngoài ra chúng ta còn có 25.915 thư viện trường phổ thông; 100 thư viện thuộc các bộ ngành, viện nghiên cứu; hơn 500 thư viện và khoảng 4.500 phòng đọc sách thuộc lực lượng vũ trang. Bên cạnh đó, số lượng sách được phát hành ngày càng tăng trên thị trường, đủ thể loại và có thể phục vụ cho mọi đối tượng bạn đọc.

Nhiều ý kiến cho rằng, văn hóa đọc muốn phát triển thì cần có sự định hướng đúng đắn cho thế hệ trẻ từ ghế nhà trường.

Nhiều ý kiến cho rằng, văn hóa đọc muốn phát triển thì cần có sự định hướng đúng đắn cho thế hệ trẻ từ ghế nhà trường.

Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trung bình một người dân tại Việt Nam đọc 4 cuốn/ năm, trong đó gồm 2,8 cuốn là sách giáo khoa và 1,2 cuốn là sách khác. Bộ VH-TT&DL cũng cho biết số sách phân bổ tại các thư viện bình quân là 0,35 cuốn/ người. Hội Xuất bản Việt Nam khẳng định sách giáo khoa và sách tham khảo học đường chiếm đến 80% số lượng sách trên thị trường, số còn lại chia đều trên số dân đọc sách chỉ được khoảng 1 cuốn/người/năm. Tỷ lệ đọc sách này còn thấp so với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Singapore, Malaysia, Thái Lan trung bình một người dân đọc 14 cuốn sách/năm; tại Ấn Độ người dân dành 10 giờ 42 phút/tuần đọc sách...

Trong nhiều cuộc bàn tròn, các chuyên gia đã chỉ ra nguyên nhân văn hóa đọc nước ta chưa phát triển như kỳ vọng dù có các điều kiện thuận lợi. Đó là hiện nay văn hóa giải trí nghe nhìn bùng nổ, người người nhà nhà dùng mạng xã hội, sử dụng internet nên có phần lơ là việc đọc sách. Trong khi đó, ông Nguyễn Nguyên, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho rằng, số lượng và chất lượng sách chưa như kỳ vọng. Chất lượng một số mảng sách chưa cao.

Nhiều chuyên gia nhận định, hiện nay, sự phân bố tài liệu đọc giữa thành thị và nông thôn mất cân đối bởi hệ thống thư viện công cộng mới phủ kín tỉnh và huyện, còn vùng nông thôn rộng lớn là xã, thôn mới chỉ phát triển rất ít và nghèo nàn về nội dung. Công tác xuất bản có xu hướng cho ra đời các bộ sách dày trên nhiều lĩnh vực, thực chất chỉ nhằm vào những người đọc có thu nhập cao trong xã hội... Ngoài ra, chúng ta cũng chưa có một tổ chức, một hoạt động xã hội nào xây dựng thói quen đọc có hệ thống, hầu như chưa tiến hành giáo dục kỹ năng đọc từ bậc tiểu học lên đến bậc đại học. Việc hình thành các chương trình khuyến đọc trên phạm vi quốc gia và công tác tuyên truyền hướng dẫn đọc chưa được thực hiện thường xuyên liên tục và có định hướng.

Giải pháp nào?

Phát triển văn hóa đọc góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh trong con người, xã hội Việt Nam, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập. Tại Hội thảo “Các giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa nhằm phát triển văn hóa đọc” gần đây, các chuyên gia cho rằng, xã hội hóa là một xu hướng và là một nguyên tắc quan trọng để phát triển văn hóa, giáo dục nói chung và thư viện nói riêng. Theo bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VH-TT&DL), để thúc đẩy xã hội hóa nhằm phát triển văn hóa đọc, cần phải thực hiện nhiều nội dung, từ định hướng trong Đề án “Phát triển văn hóa đọc cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Những năm vừa qua, ngành thư viện đã xúc tiến một số dự án như trang bị xe ôtô lưu động đa phương tiện cho các địa phương để mang sách đến các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Bên cạnh đó, Vụ Thư viện phối hợp với các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp để tăng cường hợp tác, đẩy mạnh xã hội hóa thúc đẩy văn hóa đọc; vận động, quyên góp và nhận tài trợ hàng ngàn cuốn sách có giá trị và hỗ trợ các thư viện, tủ sách ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo... Nhờ sự tài trợ từ các nguồn xã hội hóa, bộ mặt thư viện Việt Nam đã có sự thay đổi, cơ sở vật chất và việc triển khai công nghệ mới được tăng cường đã góp phần giúp lan tỏa văn hóa đọc.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng cho rằng văn hóa đọc muốn phát triển thì cần có dịch thuật chuyên nghiệp bình định sự định hướng, hướng dẫn đúng đắn từ gia đình, nhà trường. Đối với đội ngũ sáng tác cần sự sáng tạo, đổi mới về nội dung và hình thức tạo nên tác phẩm văn chương có giá trị nghệ thuật cao, thu hút độc giả. Đặc biệt, chúng ta cần có các kênh thông tin để giới thiệu sách và triển khai quảng bá, định hướng thu hút bạn đọc. Chúng ta cũng cần tiến hành tổng điều tra văn hóa đọc trên quy mô cả nước định kỳ, nhằm đánh giá đúng thực trạng đọc sách hiện nay để có những định hướng đúng đắn trong phát triển văn hóa đọc trong tương lai.

Phạm Kiên

Nhận xét

Bài đăng phổ biến